Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân
Website ngành Thống kê
Website Sở ban ngành
Thống kê truy cập
 Đang online: 15
 Hôm nay: 26
 Tuần hiện tại: 911
 Tháng hiện tại: 21,377
 Tất cả: 199,836
Địa chỉ CTK Hà Nam
Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 4 năm 2020
04/05/2020 10:08:35 SA       290  Lượt xem
Tình hình thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 09/4/2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 27 dự án đầu tư (13 dự án FDI và 14 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 139 triệu USD và 1.034,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 04 dự án FDI và 06 dự án trong nước với mức tăng 67,4 triệu USD và 532,6 tỷ đồng.
I. KINH TẾ
1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp tháng 4 năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau: chăm sóc, bảo vệ lúa và các cây hoa màu vụ chiêm xuân; theo dõi sát tình hình sâu bệnh hại cây trồng, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và phòng chống bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
- Kết quả gieo trồng vụ chiêm xuân 2020
Vụ xuân 2020, toàn tỉnh đã gieo trồng được 35.283,1 ha cây hàng năm giảm 2,7% (-994,1 ha) so với cùng kỳ năm 2019. Diện tích gieo trồng chia theo nhóm cây và một số cây trồng chính như sau:
+ Diện tích nhóm cây lương thực có hạt 32.042,1 ha, giảm 3,7% (-1.242,4 ha) so với cùng kỳ, trong đó: diện tích lúa 30.207,9 ha, giảm 2,8% (-869,7 ha); diện tích gieo trồng ngô 1.834,2 ha, giảm 16,9% (-372,7 ha).
+ Diện tích nhóm cây lấy củ có chất bột 124,9 ha, giảm 12,3% (-17,5 ha), trong đó: khoai lang đạt 84,9 ha, giảm 13,8% (-13,6 ha).
+ Diện tích nhóm cây có hạt chứa dầu 319,4 ha, giảm 6,9% (-23,7 ha), trong đó: diện tích gieo trồng đậu tương 75,2 ha, tăng 15,9% (+10,3 ha); diện tích trồng lạc 236,5 ha, giảm 13,8% (-37,9 ha).
+ Diện tích nhóm cây rau, đậu và hoa các loại 2.009,5 ha, tăng 10,2% (+186,4 ha), trong đó: diện tích gieo trồng rau các loại 1.844,6 ha, tăng 10,2% (+170,3 ha); đậu các loại 52 ha, giảm 11,6% (-6,8 ha); hoa các loại 112,9 ha, tăng 25,5% (+22,9 ha).
Thời tiết ẩm, có mưa phùn rải rác, nhiệt độ trung bình 17 - 270C, tương đối thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển. Theo đánh giá của các địa phương và ngành nông nghiệp thì lúa và hoa màu vụ chiêm xuân hiện phát triển tương đối tốt, cây lúa đang trong thời kỳ phân hoá đòng; cây ngô đang trong giai đoạn trỗ cờ, kết hạt sinh trưởng tốt; lạc đang trong thời kỳ ra hoa đậu quả; đậu tương ra hoa và đậu quả non; dưa chuột đang thu hoạch. Hiện nay, đã xuất hiện một số sâu bệnh hại lúa và hoa màu như: bệnh đạo ôn; sâu cuốn lá nhỏ; rầy nâu và rầy lưng trắng; chuột gây hại; bệnh giả sương mai, bệnh phấn trắng trên dưa chuột, bí; bệnh đốm lá trên cây ngô; sâu keo... đã được bà con nông dân phun thuốc và phòng trừ kịp thời.
- Tình hình chăn nuôi
Chăn nuôi của tỉnh trong tháng 4 ít biến động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội đã tác động đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị hạn chế, tuy nhiên đàn vật nuôi thương phẩm đến tuổi xuất chuồng đã được thu mua giết mổ, xuất bán, không có hiện tượng gia súc, gia cầm thịt quá lứa, tồn đọng. Giá thịt lợn hơi trong tháng tăng cao, dao động ở mức 85 - 90 nghìn đồng/kg, ngành chăn nuôi lợn có lãi, nhưng các hộ nuôi một phần không còn vốn để tái đàn, một phần vẫn sợ rủi do của dịch bệnh đang tiềm ẩn nên vào đàn ở mức cầm chừng. Bên cạnh đó, giá lợn giống tăng rất cao (hiện ở mức 2,3 đến 2,8 triệu đồng/con) khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tái đàn, khôi phục sản xuất. Chăn nuôi trâu bò, gia cầm tương đối ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm.
Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm được duy trì thường xuyên. Ngành chuyên môn tiếp tục hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh khử trùng, tiêu độc cho các trại chăn nuôi; tăng cường công tác kiểm tra giám sát phát hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm đối với các hộ chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, buôn bán, vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm. Trong tháng, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh kết hợp với các trạm Chăn nuôi - Thú y huyện, thành phố, thị xã đang thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2020; thực hiện các biện pháp điều trị cho số gia súc, gia cầm ốm, đồng thời phối hợp với các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh; tình hình dịch cúm gia cầm tại xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân đã công bố hết dịch vào ngày 10/4/2020.
b. Thủy sản
Nuôi trồng thủy sản trong tháng 4 phát triển ổn định. Do mức độ ô nhiễm nguồn nước được giảm thiểu nên nuôi cá vây lưới trên sông vẫn được duy trì, nuôi cá lồng bè được nhân rộng trên sông Hồng, tăng số lượng lồng nuôi; nuôi cá sông trong ao đang được thử nghiệm ở 05 huyện, thành phố, thị xã với 9 mô hình và 27 bể nuôi. Xu hướng nuôi trồng tập trung ngày càng phổ biến, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống mới vào mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh, năng suất nuôi trồng được nâng cao, giá cả ổn định tạo tâm lý yên tâm cho người nuôi.
2. Công nghiệp
Trong tháng 4, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện cách ly toàn xã hội kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 22/4/2020. Vì vậy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, xuất nhập khẩu gặp khó khăn, một số doanh nghiệp và cơ sở cá thể công nghiệp đã phải tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4/2020 ước giảm 19,1% so với tháng trước và giảm 13,1% so với cùng tháng năm 2019.
Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,7% so với cùng kỳ.Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,7%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm sâu: sản xuất đồ uống giảm 15,8%; dệt giảm 8,1%; sản xuất trang phục giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 4,1%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,3%. Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu: bia các loại giảm 19,1%; xe gắn máy giảm 19,1%; nước giải khát giảm 11,6%; quần áo may sẵn giảm 9,6%...
Một số ngành có mức sản xuất tăng so với cùng kỳ: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,2%.
3. Hoạt động của doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu khiến lao động kỹ thuật, chuyên gia, nhà quản lý người nước ngoài bị tạm ngừng nhập cảnh, cùng với việc tạm ngừng cấp mới giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thiếu nhân lực quản lý điều hành dẫn đến gặp khó khăn trong tổ chức sản xuất. Một số doanh nghiệp đang đầu tư bị chậm tiến độ do không nhập khẩu được máy móc, thiết bị để lắp ráp, vận hành đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Theo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm ngày 16/4/2020, cả tỉnh có 196 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 4.000 tỷ đồng; có 146 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 14 doanh nghiệp giải thể, phá sản.
4. Đầu tư, xây dựng
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 4/2020 ước đạt 107,5 tỷ đồng, giảm 29,4% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng, ước đạt 520,9 tỷ đồng, bằng 23,6% kế hoạch năm, tăng 24,9% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 330,3 tỷ đồng, tăng 55,4% so với cùng kỳ; vốn cấp huyện là 98,2 tỷ đồng, giảm 34,4%; vốn cấp xã là 92,4 tỷ đồng, tăng 68,2%.
Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 16/04/2020, giá trị thanh toán cho khối lượng hoàn thành năm 2020 đạt 430,7 tỷ đồng, đạt 82,7% kế hoạch. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.
Tình hình thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 09/4/2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 27 dự án đầu tư (13 dự án FDI và 14 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 139 triệu USD và 1.034,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 04 dự án FDI và 06 dự án trong nước với mức tăng 67,4 triệu USD và 532,6 tỷ đồng.
Lũy kế tới nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 981 dự án đầu tư còn hiệu lực (308 dự án FDI và 673 dự án trong nước) với vốn đăng ký 3.789,8 triệu USD và 118.282,2 tỷ đồng. Tính riêng dự án FDI, có 268 dự án trong khu công nghiệp và 40 dự án ngoài khu công nghiệp với số vốn đăng ký lần lượt là 3.542 triệu USD và 247,8 triệu USD.
5. Thu, chi ngân sách Nhà nước
a. Thu Ngân sách Nhà nước
Theo Sở Tài chính tỉnh Hà Nam, thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2.889,6 tỷ đồng, giảm 8% so cùng kỳ năm 2019, bằng 31,2% dự toán địa phương. Chia ra:
+ Thu nội địa: 2.419,6 tỷ đồng, đạt 31,9% dự toán địa phương, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ thuế, phí, lệ phí: 1.880,4 tỷ đồng, giảm  18,9%, chiếm 77,7% thu nội địa.
+ Thu thuế xuất, nhập khẩu ước đạt 470 tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán địa phương, giảm 6% so với cùng kỳ.
b. Chi Ngân sách Nhà nước
Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2.811,6 tỷ đồng, bằng 29,7% dự toán địa phương, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển 600 tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán địa phương; chi thường xuyên 1.753 tỷ đồng, giảm 0,6% so cùng kỳ, đạt 31% dự toán địa phương.
6. Thương mại, dịch vụ
a. Tổng mức bán lẻ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 4/2020 ước đạt 1.461,4 tỷ đồng, giảm 14,9% so với tháng trước. Trong tháng, ngoài nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 1,8% so với cùng tháng năm 2019, còn lại 11/12 nhóm ngành hàng đều giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7.201,7 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó: Lương thực, thực phẩm đạt 2.278,9 tỷ đồng chiểm tỷ trọng 31,6%, tăng 9,9% so với cùng tháng năm 2019; gỗ và vật liệu xây dụng đạt 1.650,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22,9%, tăng 4,7%; đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình đạt 827,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,5%, tăng 3,9%; xăng, dầu các loại đạt 647,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,0%, tăng 3,1%...
Công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong 4 tháng đầu năm luôn được sự quan tâm. Cục Quản lý thị trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các qui định pháp luật về giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm đối với trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng gây bất ổn thị trường; kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm…
b. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 
Tháng 4, ngành lưu trú và du lịch tiếp tục ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác trong tháng ước đạt 178,4 tỷ đồng, giảm 51,7% so với cùng tháng năm trước, trong đó: Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 0,4 tỷ đồng, giảm 83,2% so với cùng tháng năm 2019; dịch vụ lưu trú đạt 1,9 tỷ đồng, giảm 77,4%, dịch vụ ăn uống đạt 56,4 tỷ đồng, giảm 64,7%, dịch vụ khác đạt 119,8 tỷ đồng, giảm 40,0%. Tính chung 04 tháng năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác giảm 10,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 4 tháng, các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 129.561 lượt khách, giảm 24,8% so với cùng kỳ; khách du lịch theo tour đạt 5.129 lượt khách, giảm 36,2%.

c. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 1,60% so với tháng trước, giảm 1,16% so với tháng 12 năm 2019. Nguyên nhân làm CPI tháng 4 giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, toàn quốc thực hiện cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sinh hoạt dân cư giảm mạnh. Ngoài các cơ sở kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thì hầu hết các cơ sở kinh doanh khác đều tạm đóng cửa. Cùng với đó, việc liên tiếp điều chỉnh giảm giá nhiên liệu đã tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng trong tháng. Cụ thể trong 11 nhóm hàng hóa:
Có 03 nhóm chỉ số giá tiêu dùng tăng, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%.
Có 06 nhóm chỉ số giá tiêu dùng ổn định, là: Đồ uống và thuốc lá; may mặc, giày dép và mũ nón; thuốc và dịch vụ y tế; bưu chính viễn thông; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác.
 Có 02 nhóm chỉ số giá tiêu dùng giảm, gồm: Giao thông giảm 13,52%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 4,99%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 4/2020 biến động trái chiều nhau, giá vàng giảm 1,47%; giá đô la Mỹ tăng 0,17% so với tháng trước.
d. Vận tải
Ngành giao thông vận tải thực hiện nghiêm chỉ thị số16/CT-TTg ngày 31/3/2020, tạm dừng hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định, liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa đã tác động mạnh đến doanh thu và lượng khách vận chuyển, luân chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Tháng 4/2020, doanh thu vận tải kho bãi đạt 164,1 tỷ đồng, giảm 47,3% so với cùng tháng năm trước. Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 4/2020 ước đạt 137,8 nghìn HK, giảm 75,5% ; Khối lượng luân chuyển hành khách ước đạt 10.017,3 nghìn HK.Km, giảm 75,1%. Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 4/2020 ước đạt 1.449,6 nghìn tấn, giảm 51,2%; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 66.631,0 nghìn tấn.km, giảm 47,7%.
Lũy kế 04 tháng năm 2020, doanh thu vận tải kho bãi giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng vận chuyển hành khách giảm 24,4%; khối lượng luân chuyển hành khách giảm 23,2%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 15,0%; khối lượng luân chuyển hàng hóa giảm 17,1%.
II. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1. Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền
Các hoạt động thông tin tuyên truyền trong tháng tập trung tuyên truyền ý nghĩa các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, như 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), ngày Quốc tế Lao động 1/5; chuyển tải kịp thời chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; tình hình dịch và các văn bản chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SAR-CoV-2) gây ra.
2. Giáo dục, y tế
a. Giáo dục
Tháng 4/2020, tỉnh đã ban hành văn bản về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên đến hết ngày 03/5/2020 nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các nhà trường thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị trường học.
b. Y tế
Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 3 năm 2020 trên địa bàn tỉnh: phát sinh 01 ca sởi; 06 ca quai bị; 07 ca thủy đậu; 585 ca cúm.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: tháng 4 phát sinh mới 08 ca nhiễm HIV, 06 ca chuyển thành AIDS, số người tử vong do AIDS là 02 người. Cộng dồn từ đầu năm 2020 số người nhiễm mới HIV phát hiện là 25 người, số chuyển thành AIDS 24 người và tử vong do AIDS là 02 người.
Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona (SARS-CoV-2) trên địa bàn tỉnh: Tính đến thời điểm báo cáo, ghi nhận 4 trường hợp nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh, trong đó có 03 trường hợp nhân viên thuộc công ty TNHH Trường Sinh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam được công bố khỏi bệnh và xuất viện, 01 trường hợp bệnh nhân 251 (xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục) đã được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị từ 9/4.
3. An ninh, trật tự
Theo số liệu của Công an tỉnh, tính từ ngày 16/3/2020 đến ngày 15/4/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn và va chạm giao thông, hậu quả làm chết 4 người, bị thương 8 người. Tính chung 4 tháng năm 2020 (từ 15/12/2019 đến ngày 15/4/2020), số vụ tai nạn và va chạm giao thông là 34 vụ (giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm 2019), số người chết 24 người (bằng so cùng kỳ), số người bị thương 17 người (giảm 01 người).
 
 
Video tuyên truyền