Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân
Website ngành Thống kê
Website Sở ban ngành
Thống kê truy cập
 Đang online: 2
 Hôm nay: 109
 Tuần hiện tại: 1,080
 Tháng hiện tại: 16,441
 Tất cả: 204,389
Địa chỉ CTK Hà Nam
Tình hình Kinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2020
10/07/2020 9:22:57 SA       460  Lượt xem
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 đạt mức tăng trưởng 6,4%; Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước giảm 1%, trong đó thu từ nội địa đạt 3.722,9 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2019; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 5%; Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Năng lực sản xuất của nền kinh tế dần được phục hồi, tạo động lực cho kinh tế tỉnh phát triển trong những tháng cuối năm
I. KINH TẾ
1. Tăng trưởng kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 17.480,9 tỷ đồng, tăng 6,4 % so cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng không cao so với các năm trước[1]. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng thứ 3 trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng[2] và thứ 6 toàn quốc[3]. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,1%, đóng góp 4,9 điểm phần trăm trong đó khu vực công nghiệp tăng 7,5%, đóng góp 3,8 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 4,4%, đóng góp 1,2 điểm phần trăm tăng trưởng chung. Ước tính GRDP 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành 26.853,7 tỷ đồng, trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,6%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 61,2%; khu vực dịch vụ chiếm 27,2%.
2. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt kết quả tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 (giá so sánh 2010) ước đạt 4.412,5 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: nông nghiệp đạt 4.007,4 tỷ đồng, tăng 2,3%; lâm nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 1,9%; thủy sản đạt 397,2 tỷ đồng, tăng 3,7%. Kết quả cụ thể một số ngành như sau:
a. Nông nghiệp
- Trồng trọt
Vụ đông xuân năm nay thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện cho dịch hại phát sinh, phát triển. Tuy nhiên các đợt dịch hại đều được dự báo sớm, chính xác nên mức độ gây hại không nhiều. Diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2020 toàn tỉnh đạt 44.862 ha, giảm 3,3% (-1.519,6 ha) so với vụ đông xuân năm 2019 do một phần chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, một phần chuyển sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản…
Diện tích gieo trồng một số cây trồng chính vụ đông xuân: lúa 30.207,9 ha, giảm 2,8% (869,7ha) so với cùng kỳ năm trước; ngô 4.142,9 ha, giảm 18,5% (938 ha); khoai lang 370,3 ha, giảm 7,9% (32 ha); lạc 324,5 ha, giảm 8,5% (30,2 ha); đậu tương 1.124,2 ha, giảm 6,8% (81,6 ha); rau các loại 7.128,9 ha, tăng 5,1% (346,3 ha), trong đó: bí xanh 524,7 ha, bí đỏ 1.240,4 ha; dưa chuột 1.069,7 ha; khoai tây 165,1 ha; đậu các loại 55,6 ha; hoa các loại 211,2 ha.
Năm nay thời tiết ấm hơn mọi năm thuận lợi cho sự phát triển cây trồng ưa ấm như ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, bí… Sản lượng lương thực có hạt vụ đông xuân 2020 đạt 224.509 tấn, giảm 4,4% (10.319,6 tấn) so với cùng kỳ năm 2019. Năng suất cây lúa sơ bộ đạt 66,6 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha, sản lượng 201.184,6 tấn, giảm 2,7% (5.593 tấn); cây ngô đạt năng suất bình quân 56,3 tạ/ha, tăng 1,1 tạ/ha, sản lượng 23.324,4 tấn, giảm 16,8% (4.726,5 tấn). Năng suất khoai lang bình quân đạt 123 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha (1,0%) so với cùng kỳ năm trước, sản lượng 4.554,7 tấn, giảm 7,0% (343 tấn). Năng suất đậu tương bình quân đạt 14,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha (6,6%) so với cùng kỳ năm trước, sản lượng 1.618,5 tấn, giảm 0,9% (14,7 tấn).
Thời tiết thuận lợi, cây trồng phát triển tốt, diện tích trồng cây lâu năm tăng nhiều, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt kết quả tốt. Sản lượng một số cây ăn quả chủ yếu so với cùng kỳ như sau: xoài 437,4 tấn, tăng 8,0%; chuối 11.078,3 tấn, tăng 9,6%; na 191,7 tấn, tăng 1,5%; hồng xiêm 633,8 tấn, tăng 0,4%; cam 550,1 tấn, tăng 3,8%; bưởi, bòng 824,6 tấn, tăng 6,5%; táo 180,2 tấn, giảm 1,2%; vải 125 tấn, tăng 1,3% …
- Chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 có nhiều biến động: bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản đã được kiểm soát, dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm đã được khống chế, giá cả thị trường các sản phẩm chăn nuôi không ổn định, giá thức ăn chăn nuôi tăng, đặc biệt giá lợn thịt hơi xuất chuồng và lợn giống tăng cao kỷ lục.
Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh do có đề án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh, đầu ra được công ty TNHH Friesland Campina cam kết thu mua với giá ổn định. Ước tính tại thời điểm 01/7/2020, đàn bò sữa có 3.893 con, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm so với tháng trước do nhập khẩu lợn thịt từ Thái Lan vào Việt Nam, tại thời điểm 15/6/2020 giá thịt lợn hơi ở mức 80.000 -90.000đ/kg; giá lợn giống dao động từ 3,1 - 3,5 triệu/con, hiện tại đầu con tăng chủ yếu là những hộ nuôi tự cấp được giống nuôi. Ước tính đàn lợn tính đến thời điểm 01/7/2020 là 356.836 con, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, lợn thịt  302.560 con, chiếm 84,8% so với tổng đàn; lợn nái 30.050 con, chiếm 8,4%; đực giống 1.012 con, chiếm 0,3%.
Tổng đàn gia cầm tăng mạnh do người chăn nuôi chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gia cầm. Ước tính tại thời điểm 01/7/2020, tổng đàn gia cầm có 7.324,8 nghìn con, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà ước có 5.252,5 nghìn con, tăng 14,2%.
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 47.084,0 tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó: thịt lợn hơi đạt 34.331,0 tấn, giảm 6,8%; thịt trâu bò hơi đạt 1.197,3 tấn, tăng 3,4%; thịt gia cầm hơi đạt 10.748,9 tấn, tăng 24,7%.
6 tháng đầu năm 2020, ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Nam và các đơn vị liên quan đang tích cực tập trung công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền để người dân nắm rõ về tình hình dịch bệnh, chủ động khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi; vận động người dân khi thấy lợn có biểu hiện ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định, tuyệt đối không giấu dịch, tham gia buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn nhiễm bệnh.
b. Lâm nghiệp
- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng
Sản xuất Lâm nghiệp 6 tháng đầu năm tương đối thuận lợi, khai thác gỗ đặc biệt là khai thác gỗ từ rừng trồng tăng trưởng cao do thị trường tiêu thụ ổn định. Toàn tỉnh đã trồng được khoảng 210 nghìn cây phân tán các loại, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước, ươm giống cây Lâm nghiệp ước tính 25,6 nghìn cây, tăng 1,2% so với cùng kỳ.
Dự án 5 triệu ha rừng trồng năm 2020 tiếp tục được triển khai ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm (trồng lại sau khai thác) với tổng diện tích rừng sản xuất tập trung 30 ha, rừng được bảo vệ 2.648 ha (Kim Bảng 2.598 ha, Thanh Liêm 50 ha) và diện tích được khoanh nuôi tái sinh 278,1 ha. Đến nay công tác bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng đã được giao cho các tổ chức kinh tế và hộ gia đình, đạt 100% kế hoạch.
Công tác bảo vệ rừng, phòng ngừa cháy rừng mùa khô nóng được tăng cường, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác ngăn chặn kịp thời các vụ chặt phá rừng. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào.
- Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản khác
Tình hình khai thác gỗ khá thuận lợi do thị trường tiêu thụ ổn định, giá tiêu thụ các loại lâm sản chủ yếu vẫn duy trì ở mức cao. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.135,3 m³, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng củi khai thác ước đạt 195,7 ster, giảm 1,3%.
c. Thủy sản
Sản xuất thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 tương đối ổn định và phát triển do có nhiều yếu tố thuận lợi: thời tiết không có diễn biến bất thường, mức độ ô nhiễm nguồn nước giảm, không xảy ra dịch bệnh lớn, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định; các hộ dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa các giống mới vào mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh; tăng số lượng lồng nuôi trên sông Hồng, nuôi cá sông trong ao đang được nhân rộng tới các huyện, thành phố, thị xã, dự kiến đến cuối năm toàn tỉnh ước đạt 50 bể nuôi.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng thuỷ sản ước đạt 11.997,1 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng cá 11.903,7 tấn, tăng 2,1%; tôm 14,4 tấn, giảm 1,4%; thủy sản khác 79,0 tấn; giảm 0,9%. Thủy sản nuôi trồng đóng góp 98,1% sản lượng với 11.755,0 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm  trước.
3. Công nghiệp
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu: thiếu hụt nguồn nguyên liệu; xuất nhập khẩu gặp khó khăn; một số doanh nghiệp và cơ sở cá thể công nghiệp đã phải tạm ngừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, những tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 01/01/2020 cũng phần nào ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, dịch COVID-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp trong tỉnh vẫn chưa thể phục hồi.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua[4]. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,6%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,2%, đóng góp 6,5 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong nửa đầu năm 2020, ngành khai khoáng cơ bản không bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số nhà máy sản xuất xi măng mới mở rộng dây chuyền sản xuất nên nhu cầu đá nguyên liệu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nặng nề nhất là ngành dệt, may với chỉ số sản xuất giảm 2-2,5% so với cùng kỳ[5];  riêng ngành sản xuất đồ uống chịu thêm tác động của nghị định 100/2019/NĐ-CP có chỉ số sản xuất giảm 10,8% so với cùng kỳ. Một số ngành ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như: sản xuất sản phẩm từ khoáng và phi kim loại khác tăng 18,4%; chế biến thực phẩm tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,2%...
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có mức sản xuất tăng cao trong 6 tháng đầu năm: xi măng và clanke tăng 16,3%; thức ăn chăn nuôi tăng 15,2%; bộ dây điện ô tô tăng 13,2%; dây điện các loại tăng 10,5%...
4. Hoạt động của doanh nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020, cả tỉnh có 315 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 5.684 tỷ đồng; có 170 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 19 doanh nghiệp giải thể, phá sản.
Đầu năm 2020 có 89 dự án đăng ký đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh[6]. Tính đến ngày 18/6/2020, nhóm dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động gồm 15 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 16 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 346,3 triệu USD và 3.427,6 tỷ đồng. Một số dự án trên địa bàn tỉnh mới đi vào hoạt động sản xuất trong quý II có quy mô lớn như Công ty TNHH Suminoe Textile, Công ty TNHH Kortek Vina, Công ty TNHH Qisda Việt Nam, Công ty TNHH Syncmold Việt Nam...
 Lũy kế đến 18/6/2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 997 dự án đầu tư còn hiệu lực (315 dự án FDI và 682 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.079,9 triệu USD và 131.190,1 tỷ đồng.
5. Đầu tư
6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên một số dự án phải tạm dừng thi công đã phần nào làm chậm tiến độ thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, các hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh đã trở lại trạng thái bình thường, các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý II/2020 theo giá hiện hành ước đạt 8.476,0 tỷ đồng, tăng 10,8% so với quý trước và tăng 3,2% so với cùng quý năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 16.126,7 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ, bao gồm: vốn nhà nước 2.702,9 tỷ đồng tăng 15,3%, chiếm 16,8% tổng vốn; vốn ngoài nhà nước 9.415,1 tỷ đồng, giảm 1,7%, chiếm 58,4%; vốn đầu trực tiếp nước ngoài 4.008,7 tỷ đồng, tăng 4,4%, chiếm 24,9%.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 6 tháng ước đạt 994,3 tỷ đồng, bằng 45,1% kế hoạch, tăng 54,8% so cùng kỳ năm 2019 (kế hoạch vốn năm 2020 tăng 60,8% so với năm 2019).
Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: theo báo cáo Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 31/5/2020, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn Ngân sách do địa phương quản lý năm 2020 đạt 884,0 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang là 85,5 tỷ đồng; thanh toán vốn kế hoạch năm 2020 là 798,6 tỷ đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng chú trọng những công trình, dự án lớn, quan trọng, kịp thời nghiệm thu và thanh toán đảm bảo đúng quy định.
Tình hình thu hút đầu tư: theo báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 18/6/2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 44 dự án đầu tư (21 dự án FDI và 23 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 448,1 triệu USD và 13.864 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 19 dự án (8 dự án FDI và 11 dự án trong nước) với tổng vốn đầu tư tăng 93,4 triệu USD và 611 tỷ đồng.
6. Thương mại, dịch vụ
a. Tổng mức bán lẻ
Tháng 6/2020, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.927,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với tháng 6 năm 2019. Như vậy, sau tháng 4 giảm 14,9% do ảnh hưởng của việc cách ly toàn xã hội, tổng mức bán lẻ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 5 sau khi gỡ bỏ việc cách ly xã hội.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý II/2020 đạt 5.302,9 tỷ đồng, tăng 1,8% so với quý II năm 2019 và giảm 437,4 tỷ đồng so với quý I/2020. Trong quý II, có 9/12 nhóm ngành hàng tăng so với cùng quý năm trước, các mặt hàng tăng cao gồm: lương thực, thực phẩm tăng 7,5%; xăng dầu tăng 4,5%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 4,2%... Các mặt hàng giảm: ô tô các loại giảm 44,1%; gỗ và vật liệu xây dựng giảm 2,1%; sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 1,8% so với cùng quý năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 11.043,5 tỷ đồng, tăng 7,2% so với 6 tháng năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong những năm gần đây[7]. Để tháo gỡ các khó khăn do dịch COVID-19 mang lại, các cơ sở thương mại đã có những chương trình khuyến mãi, kích cầu, cũng như đẩy mạnh việc bán hàng online song song với hình thức bán hàng truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 luôn được quan tâm. Cục Quản lý thị trường thường xuyên kết hợp với các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các qui định pháp luật về giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm đối với trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19; kiểm tra thường xuyên đối với các mặt hàng hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện như xăng dầu, khí hoá lỏng, thuốc tân dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp; làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng và đường phố nhằm đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
b. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 
Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Sở VHTT&DL tỉnh đã triển khai tới các đơn vị du lịch thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, ưu tiên tham gia liên kết phát triển du lịch với các tỉnh lân cận và khu vực; xây dựng kế hoạch tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch trong khuôn khổ chương trình năm du lịch quốc gia 2020 tại Ninh Bình. Tổ chức thành công chương trình phát động Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam và giới thiệu điểm đến khu du lịch Tam Chúc-Ba Sao, khai trương Văn phòng thông tin và hỗ trợ khách du lịch, văn phòng đi vào hoạt động từ ngày 28/5/2020.
Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 6/2020 đạt 179,8 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng tháng năm 2019; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 5,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 217,3 tỷ đồng, tăng 7,8%.
Quý II/2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 416.3 tỷ đồng, giảm 15,3% so với quý I/2020, giảm 18,4% so với quý II/2019; doanh thu du lịch lữ hành đạt 4,5 tỷ đồng, giảm 18,2% so với quý I/2020, giảm 8,8% so với quý II/2019; doanh thu dịch vụ khác đạt 548,5 tỷ đồng, giảm 16,5% so với quý I/2020, giảm 8,8% so với quý II/2019.
Lũy kế 6 tháng năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 11,9%; doanh thu lữ hành giảm 25,2%; doanh thu dịch vụ khác tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019.
6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách các cơ sở lưu trú phục vụ giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước, ngày khách phục vụ giảm 17,6%, lượt khách phục vụ theo tour giảm 27,3%, ngày khách du lịch theo tour giảm 26,3%.
c. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2020 trên địa bàn tỉnh tăng 0,73% so với tháng 5/2020, tăng 4,79% so với tháng 6/2019. Trong tháng 6 có 9/11 nhóm có chỉ số giá tăng, cao nhất là nhóm giao thông (tăng 5,94%) do điều chỉnh tăng giá nhiên liệu ngày 12/06; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% chủ yếu do giá thịt lợn hơi vẫn ở mức cao và một số loại rau như cải xanh, bắp cải, dưa chuột… tăng giá; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,32% do nhu cầu về các mặt hàng điều hòa, quạt… tăng trong mùa nắng nóng; Nhóm văn hóa, giải trí và du lich tăng 0,03%; nhóm đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,02%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Tháng 6/2020 có 2/11 nhóm chỉ số giá tiêu dùng ổn định so với tháng 5/2020, gồm: bưu chính viễn thông; giáo dục. Có 3/11 nhóm chỉ số giá tiêu dùng giảm so với tháng 5/2020: Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,06%; Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01%. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 6 biến động trái chiều nhau, giá vàng tăng 3,47%, giá đô la Mỹ giảm 0,54% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý II/2020 tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước. Có 8/11 nhóm hàng tăng, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 15,39%; giáo dục tăng 5,70% (dịch vụ giáo dục tăng 5,96%); đồ dùng và dịch vụ khác tăng 3,41%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 3,03% (dịch vụ y tế tăng 3,76%); thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 2,31%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,59%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,06%; văn hóa và du lịch tăng 0,56%. Có 3/11 nhóm hàng giảm, gồm: giao thông giảm 20,22%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,71%; bưu chính viễn thông giảm 0,20% so với bình quân cùng kỳ. Giá vàng tăng 27,63%, giá đô la Mỹ tăng 0,53%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng năm 2020 tăng 5,48% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng CPI cao nhất trong 5 năm trở lại đây[8] do những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống nhân dân, tâm lý tích trữ hàng hóa trong thời gian dịch đã đẩy giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tăng cao. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh học phí các cấp học theo lộ trình cũng ảnh hưởng trực tiếp đến CPI bình quân 6 tháng năm 2020. Cụ thể, CPI bình quân 6 tháng năm 2020 có 02/11 nhóm hàng giảm là: Giao thông; bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng còn lại đều tăng với mức tăng từ 0,38% đến 14,35%. Giá vàng bình quân 6 tháng so cùng kỳ tăng 24,61%, giá đô la Mỹ tăng 0,34%.
d. Vận tải
Dịch bệnh COVID-19 cho đến nay đã cơ bản được đẩy lùi, mặc dù còn những khó khăn nhất định, song hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang được phục hồi, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

- Vận tải hành khách:
Ước tháng 6/2020 vận chuyển hành khách đạt 601,3 nghìn HK, tăng 4,0% so với tháng 5/2020, tăng 0,7% so với tháng 6/2019; luân chuyển hành khách đạt 43,2 triệu HK.km, tăng 4,8% so với tháng 5/2020, tăng 1,4% so với tháng 6/2019. Quý II/2020 vận chuyển hành khách giảm 298,9 nghìn HK so với quý I/2020, giảm 23,9% so với quý II/2019; luân chuyển hành khách giảm 20,2 triệu HK.km so với quý I/2020, giảm 23,5% so với quý II/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, vận chuyển hành khách ước đạt 2.948,1 nghìn HK, giảm 15,7% so với 6 tháng năm 2019; luân chuyển hành khách đạt 210,6 triệu HK.km, giảm 14,9%.
- Vận tải hàng hoá:
 Vận chuyển hàng hoá tháng 6 ước đạt 3.2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng 5/2020, tăng 2,7% so với tháng 6/2019; luân chuyển hàng hóa đạt 145,1 triệu tấn.km, tăng 3,3% so với tháng 5/2020, tăng 11,0% so với tháng 6/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, vận chuyển hàng hóa ước đạt 16,8 triệu tấn, giảm 8,2% so với 6 tháng năm 2019; luân chuyển hàng hóa ước đạt 742,3 triệu tấn.km, giảm 7,8%.
- Doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 6/2020 đạt 339,1 tỷ đồng, tăng 4,1% so với tháng 5/2020, tăng 7,8% so với cùng tháng năm 2019. Lũy kế 6 tháng năm 2020, doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 1.788,7 tỷ đồng, giảm 9,1% so với 6 tháng năm 2019, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 169,5 tỷ đồng, giảm 10,3%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.599,1 tỷ đồng, giảm 9,0%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 20,1 tỷ đồng, giảm 4,3% so với 6 tháng năm 2019.
7. Tài chính, ngân hàng
a. Thu ngân sách
Theo báo cáo Sở Tài chính Hà Nam, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.522,9 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 48% dự toán địa phương phấn đấu. Trong đó thu nội địa đạt 3.722,9 tỷ đồng, tăng 0,3%, bằng 49% dự toán địa phương; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 800 tỷ đồng, bằng 47% dự toán địa phương, giảm 4,7% so cùng kỳ năm trước. Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.230 tỷ đồng, bằng 45% dự toán địa phương; thu thuế doanh nghiệp ngoài Nhà nước 642 tỷ đồng, bằng 43%; thu thuế thu nhập cá nhân 250 tỷ đồng, bằng 48%; thu thuế bảo vệ môi trường 210 tỷ đồng, bằng 50%.
b. Chi ngân sách
Tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước thực hiện 3.831,3 tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ, bằng 46% dự toán địa phương giao. Trong đó, chi thường xuyên 2.807,0 tỷ đồng, giảm 1,8% so cùng kỳ, bằng 50% dự toán địa phương; chi đầu tư phát triển đạt 921,6 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ, bằng 64% dự toán địa phương (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 1.682,5 tỷ đồng, chiếm 86% chi đầu tư phát triển).
c. Ngân hàng, tín dụng
6 tháng đầu năm 2020, các Tổ chức Tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm chính sách tiền tệ và triển khai các giải pháp chính sách tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng dịch COVID-19.
Theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nam: 6 tháng đầu năm 2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 44,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31/12/2019; dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước đạt 43,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với thời điểm 31/12/2019; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 0,9%, tăng 0,3% so với thời điểm 31/12/2019.
Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay giữa các Tổ chức Tín dụng trên địa bàn tỉnh khá đồng đều và có xu hướng giảm so với đầu năm. Lãi suất huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 3,5-4,3%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng ở mức 5-6%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7-8%/năm đối với ngắn hạn; 8-9%/năm đối với trung và dài hạn.
II. VĂN HOÁ - XÃ HỘI VÀ ĐỜI SỐNG DÂN CƯ
1. Dân số, lao động, việc làm và đời sống dân cư
- Dân số: Ước tính dân số trung bình 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Hà Nam là 857.370 người. Theo cơ cấu, dân số nam chiếm 49,3%, dân số nữ chiếm 50,7%; dân số khu vực thành thị chiếm 27,8% và khu vực nông thôn 72,2%.
- Lao động, việc làm: Tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 là 478.910 người, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ lệ 26,2%; công nghiệp và xây dựng 44,1%; dịch vụ 29,7%. Trong 6 tháng đầu năm 2020, giải quyết việc làm mới cho 10.103 lao động (trong đó Xuất khẩu lao động 205 người), đạt 60% kế hoạch; toàn tỉnh có 11.379 người được tạo việc làm thêm. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 1,9%, trong đó khu vực thành thị là 2,9%.
- Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư: Công tác an sinh xã hội luôn được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh nhất là trong tình hình dịch COVID-19 gây xáo trộn không nhỏ đến đời sống dân cư.
Kết quả thăm hỏi, tặng quà Tết Canh Tý năm 2020, tổng trị giá tiền mặt và hiện vật quy ra là 61.231,2 triệu đồng.
Kết quả hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: đến nay đã thực hiện ứng ngân sách tỉnh 110,27 tỷ đồng bố trí cho các huyện, thành phố, thị xã, Sở LĐTB&XH để hỗ trợ người dân, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng tháng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, Sáu tháng đầu năm 2020 đã mua và cấp 26.933 thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho khẩu nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện là 24,9 tỷ đồng, đảm bảo 100% khẩu nghèo và cận nghèo đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.
- Tình hình thu nhập: Ước tính thu nhập bình quân đầu người/tháng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 4.120,5 nghìn đồng, trong đó: khu vực thành thị đạt 5.396,0 nghìn đồng, khu vực nông thôn đạt 3.949,0 nghìn đồng.
2. Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền
Hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan trong 6 tháng đầu năm được triển khai đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Hơn 15 đợt tuyên truyền lớn đã được tổ chức nhằm kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, như: kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; mừng xuân Canh Tý; kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; kỷ niệm 23 năm ngày tái lập tỉnh… Báo, Đài phát thanh truyền hình tỉnh Hà Nam dành nhiều thời lượng tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cả nước và của tỉnh; triển khai và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương 6 tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, các hoạt động văn hoá, thông tin chủ yếu tập trung tuyên truyền về các giải pháp của Chính phủ, của địa phương để duy trì phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, trọng tâm tuyên truyền về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Công tác tuyên truyền được thực hiện trên báo đài, trên loa phát thanh, các pano, áp phích trên các tuyến đường và các công viên, nơi công cộng, khu vui chơi với tần suất thường xuyên và liên tục nhằm hướng dẫn người dân cách phòng tránh và bảo vệ sức khỏe trước tình hình dịch bệnh.
3. Thể thao
Hoạt động thể dục thể thao những ngày đầu năm diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết các giải đấu trong nước, quốc tế, các chuyến tập luyện thể thao đã phải tạm dừng. Các huấn luyện viên tập luyện cùng các vận động viên vừa phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch vừa phải đảm bảo được thể lực để tiếp tục thi đấu sau thời gian hết dịch. Thời điểm tháng 5 khi dỡ bỏ lệnh cách ly, Sở VHTT&DL tổ chức thành công 01 giải thể thao giải Vật mùa xuân thượng võ tỉnh Hà Nam tại Thanh Liêm. Các giải thi đấu thành tích cao được điều chỉnh lịch thi đấu. Hiện tại, thể thao Hà Nam đang tham dự 4 giải: giải vô địch Bóng đá nữ U19 Quốc gia (tại Hà Nội); giải Bóng chuyền hạng A (Nghệ An); giải Lặn các nhóm tuổi quốc gia (Quảng Ninh); giải Điền kinh Cúp thống nhất Tp. HCM (TP Hồ Chí Minh). Tiến hành công tác kiểm tra các câu lạc bộ tuyến 2, đánh giá thực trạng và tiếp tục xây dựng phong trào thể thao ở cơ sở.
4. Giáo dục, y tế
a. Giáo dục
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn việc dạy và học của các trường, ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động giáo dục của nhà trường. Vì vậy, khung thời gian năm học 2019-2020 được điều chỉnh, các trường kết thúc năm học trước ngày 15/7, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra đến ngày từ ngày 08-10 tháng 8 năm 2020.
Theo báo cáo của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh, kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2020 có 50/74 học sinh dự thi đạt giải, gồm: 01 giải nhất, 10 giải nhì, 17 giải ba, 22 giải khuyến khích. Kết quả thi học sinh giỏi lớp 10, 11, 12 cấp tỉnh năm học 2019 - 2020: có 1.451 học sinh đạt giải, gồm: 60 giải nhất, 297 giải nhì, 512 giải ba, 582 giải khuyến khích. Kết quả thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh (năm học 2019-2020): có 285 học sinh dự thi đạt giải, gồm 8 giải nhất, 55 giải nhì, 106 giải ba và 116 giải khuyến khích.
b. Y tế
Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong 6 tháng đầu năm 2020 được triển khai chủ động, tích cực, đạt hiệu quả, điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Theo sở Y tế tỉnh Hà Nam tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 05/2020 trên địa bàn tỉnh: phát sinh 01 ca mắc sốt xuất huyết; 01 ca lao phổi; 08 ca thủy đậu; bệnh cúm phát sinh 491 ca.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: tính chung 6 tháng đầu năm 2020 số người nhiễm mới HIV phát hiện là 36 người, số chuyển thành AIDS là 31 người và tử vong do AIDS là 05 người.
Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong tuyên truyền các thông tin, biện pháp phòng chống dịch. Kịp thời thực hiện giám sát điều tra và xử lý các ổ dịch bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở II, Bệnh viện đa khoa tỉnh, xã Bình Nghĩa (Bình Lục) và các điểm nghi ngờ. Đến hết ngày 17/6/2020, đã tiến hành xét nghiệm 1.284 mẫu, thực hiện cách ly 5.043 người, điều trị và khỏi bệnh 04/04 ca bệnh xác định. Ngành y tế đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch, trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch.
Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và đợt cách ly toàn xã hội trong tháng 4. Trong 6 tháng đầu năm 2020 không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.
5. An ninh, trật tự
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 được đảm bảo an toàn, giữ vững. Công an tỉnh đã phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm; kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan, doanh nghiệp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ, tết. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 lực lượng công an tỉnh đã thể hiện rõ vai trò là tuyến đầu góp phần cùng cả tỉnh ngăn chặn, phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo cáo của Công an tỉnh, từ 16/5/2020 đến 15/6/2020, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn và va chạm giao thông, hậu quả làm chết 7 người, bị thương 18 người. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 (từ 16/12/2019 đến 15/6/2020), số vụ tai nạn và va chạm giao thông là 53 vụ (giảm 14 vụ so với cùng kỳ năm 2019), số người chết 39 người (giảm 03 người so cùng kỳ), số người bị thương 37 người (giảm 6 người)./.
 

[1] So với cùng kỳ năm trước: 6 tháng đầu năm 2019 tăng 11,3%; 6 tháng 2018 tăng 10,4%; 6 tháng 2017 tăng 10,0%; 6 tháng 2016 tăng 11,0%
[2] Tăng trưởng các tỉnh vùng ĐBSH: Hà Nội 3,4%; Vĩnh Phúc -2,7%; Bắc Ninh -3,5%; Hải Dương 2,9%; Hải Phòng 10,9%; Hưng Yên 6,8%; Thái Bình 4,62%; Nam Định 4,3%; Ninh Bình 3,9%
[3] Sau Hải Phòng 10,9%; Ninh Thuận 8,5%; Kon Tum 7,3%; Hưng Yên 6,8%; Bình Dương 6,7%
[4] IIP 6 tháng đầu năm 2019 tăng 13,2%; 6 tháng năm 2018 tăng 12,1%; 6 tháng năm 2017 tăng 12,5%; 6 tháng năm 2016 tăng 12,6%
[5]6 tháng đầu năm 2019 tăng 5-10%; 6 tháng năm 2018 tăng 6,5-9,7%; 6 tháng năm 2017 tăng 10,3-12,5%.
[6]31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 501,4 triệu USD và 59 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 9.208,4 tỷ đồng.
[7] 6 tháng đầu năm 2016 tăng 19,1%; 6 tháng năm 2017 tăng 16,3%; 6 tháng năm 2018 tăng 15,3%; 6 tháng năm 2019 tăng 13,8%.
[8] 6 tháng đầu năm 2016 tăng 1,47%; 6 tháng năm 2017 tăng 5,13%; 6 tháng năm 2018 tăng 3,1%; 6 tháng năm 2019 tăng 1,52%,
 
 
 
Video tuyên truyền