Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân
Website ngành Thống kê
Website Sở ban ngành
Thống kê truy cập
 Đang online: 1
 Hôm nay: 30
 Tuần hiện tại: 1,196
 Tháng hiện tại: 15,359
 Tất cả: 203,307
Địa chỉ CTK Hà Nam
Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 7 năm 2021
26/07/2021 3:07:40 CH       302  Lượt xem
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 7 hoàn thành thu hoạch cây trồng vụ xuân, tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, bảo đảm gieo trồng đúng lịch thời vụ...
Tháng 7/2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh và các địa bàn tỉnh phía Nam. Toàn quốc thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và “chuyển từ phòng ngự sang chủ động”. Ở trong tỉnh, ngày 17/7/2021, trên bàn huyện Lý Nhân đã ghi nhận 05 ca bệnh về từ thành phố Hồ Chí Minh. Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, nhân dân toàn tỉnh đã chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo của Trung ương và địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch như chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế; hạn chế ra đường khi không cần thiết; đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu… Với sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân trong việc thực hiện vừa bảo vệ sức khỏe người dân vừa ổn định xã hội, phát triển kinh tế, tình hình Kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực sau:
I. KINH TẾ
1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp trong tháng 7 hoàn thành thu hoạch cây trồng vụ xuân, tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, bảo đảm gieo trồng đúng lịch thời vụ. Tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt. Nuôi trồng thủy sản phát triển tốt.
 a. Nông nghiệp
- Trồng trọt
Thời tiết thuận lợi, công tác thu hoạch lúa và hoa màu vụ xuân được tiến hành nhanh gọn. Cùng với đó, các địa phương khẩn trương làm đất và gieo mạ vụ mùa, đảm bảo lúa mùa được gieo cấy đúng lịch thời vụ. Tính đến 15/7/2021, toàn tỉnh đã gieo cấy được 29.887 ha lúa mùa, giảm 1,4% so cùng kỳ năm trước và đạt 100,2% kế hoạch; diện tích cây màu đã trồng đạt 3.234,9 ha, đạt 102,5% kế hoạch, trong đó cây ngô 1.346,2 ha; đậu tương 162,2 ha; lạc 89,5 ha; dưa chuột 125 ha; khoai lang 43,5 ha; rau đậu các loại 1.132,8 ha.
- Tình hình chăn nuôi
Chăn nuôi của tỉnh trong tháng 7 tiếp tục ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn đi các tỉnh bị ùn tắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều nơi thực hiện giãn cách hoặc cách ly xã hội nên giá thịt lợn hơi có xu hướng giảm (dao động ở mức 60-65 nghìn đồng/kg), cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng đẩy chi phí sản xuất tăng, tác động không nhỏ đến người chăn nuôi. Chăn nuôi trâu bò có lãi; gia cầm phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán sản phẩm tăng bù đắp được phần chi phí do giá thức ăn chăn nuôi tăng. Ước tính số lượng đầu con gia súc, gia cầm thời điểm 31/7/2021: đàn trâu đạt 3.652 con, tăng 1,8%; đàn bò là 32.570 con, tăng 1,2%; tổng đàn lợn 377,2 nghìn con, tăng 7,8%; đàn gia cầm 9.034 nghìn con, tăng 18,9% so cùng kỳ.
Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trong tháng được tăng cường, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng nóng; dịch bệnh được kiểm soát tốt nên không có hiện tượng lây lan rộng đồng thời ngành chức năng luôn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ổ dịch phát sinh.
b. Thủy sản
Nuôi trồng thủy sản trong tháng 7 tiếp tục phát triển. Các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chép giòn, cá trắm… đang được đầu tư bằng mô hình nuôi cá lồng, sông trong ao tại một số xã của huyện Lý Nhân, điển hình là Phú Phúc (235 lồng), Trần Hưng Đạo (157 lồng) và tiếp tục mở rộng tại một số xã khác. Thị trường tiêu thụ thủy sản ổn định khiến người nuôi yên tâm mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
2. Công nghiệp
Tháng 7, sản xuất công nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng khá do hoạt động của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tính chung 7 tháng, IIP tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 8,9%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 13,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,3%. Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, một số ngành chủ lực chiếm tỷ trọng lớn có mức sản xuất tăng cao như: sản xuất chế biến thực phẩm (tăng 13,4%); thiết bị điện, sản phẩm điện tử (tăng từ 15,6 - 18,9%); sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 25,8%); sản xuất kim loại (tăng 10,7%); sản xuất đồ uống (tăng 11,6%); sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác (tăng 13,7%)...
Sản lượng một số sản phẩm chủ yếu trong 7 tháng duy trì tốc độ tăng cao so với cùng kỳ như: đá khai thác ước tăng 8,2%; vải các loại ước tăng 14,5%; xi măng và clinker ước tăng 11,0%; sữa các loại ước tăng 29,9%; thức ăn chăn nuôi ước tăng 9,2%; dây điện các loại ước tăng 17,1%; xe gắn máy ước tăng 25,4%...
3. Hoạt động của doanh nghiệp
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2021, cả tỉnh có 393 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 6.656 tỷ đồng; có 213 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 29 doanh nghiệp giải thể, phá sản.
Lũy kế đến 28/6/2021 trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.045 dự án đầu tư còn hiệu lực (334 dự án FDI và 711 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.410,6 triệu USD và 140.746,5 tỷ đồng.
4. Đầu tư, xây dựng
Tháng 7, việc thực hiện giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án vẫn được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ. Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện tập trung ở các công trình, dự án lớn như: hạ tầng khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao; dự án phát triển Thành phố Phủ Lý (phần bổ sung); dự án đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính; Bệnh viện Sản nhi; các dự án xây dựng, sửa chữa các tuyến đường chính; các dự án nạo vét, gia cố kênh tiêu, đê bối; các dự án xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở y tế, di tích văn hóa, trường học, an ninh, quốc phòng…
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2021 ước đạt 129,6 tỷ đồng, giảm 0,9% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, ước đạt 789,2 tỷ đồng, bằng 52,6% kế hoạch, giảm 30,5% so cùng kỳ năm 2020 (kế hoạch vốn năm 2021 giảm 31,9% so với năm 2020). Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 331,3 tỷ đồng, giảm 55,8% so với cùng kỳ; vốn cấp huyện là 366,7 tỷ đồng, tăng 93,2%; vốn cấp xã là 91,2 tỷ đồng, giảm 53,4%.
*Một số dự án đầu tư, xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước:
- Hạ tầng khu du lịch Tam Chúc, vốn đầu tư 5.592,9 tỷ đồng, dự kiến 7 tháng/2021 đạt 72,6 tỷ đồng; lũy kế từ khi khởi công (2015) đến nay đạt 2.857,0 tỷ đồng;
- Dự án phát triển các đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án TP Phủ Lý (phần bổ sung), vốn đầu tư 154 tỷ đồng, dự kiến 7 tháng/2021 đạt 28,2 tỷ đồng;
- Dự án đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, vốn đầu tư 404,0 tỷ đồng, dự kiến 7 tháng/2021 đạt 18,2 tỷ đồng;
- Dự án Bệnh viện Sản Nhi, vốn đầu tư 123,3 tỷ đồng, dự kiến 7 tháng/2021 đạt 15,1 tỷ đồng, lũy kế từ khi khởi công (2018) đến nay đạt 81,3 tỷ đồng...
*Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 30/6/2021, giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn ngân sách do địa phương quản lý đạt 1.451,1 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết), trong đó thanh toán vốn kéo dài năm trước chuyển sang 132,4 tỷ đồng, thanh toán vốn kế hoạch giao trong năm là 1.318,7 tỷ đồng. Số vốn giải ngân theo chương trình mục tiêu quốc gia là 225,8 tỷ đồng. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.
*Tình hình thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến ngày 28/6/2021, toàn tỉnh thực hiện cấp mới 18 dự án (07 dự án FDI và và 11 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 73,6 triệu USD và 1.696,6 tỷ đồng; thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 17 dự án (10 dự án FDI và 07 dự án trong nước); tổng vốn đầu tư tăng 26,0 triệu USD và 1.415,9 tỷ đồng.
5. Tài chính
a. Thu Ngân sách Nhà nước
Theo Sở Tài chính Hà Nam, công tác quản lý thu NSNN 7 tháng năm 2021 được triển khai quyết liệt, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh theo quy định của pháp luật. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam 7 tháng ước đạt 7.699,0 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 80,1% dự toán địa phương phấn đấu. Trong đó thu nội địa đạt 6.949,0 tỷ đồng, tăng 34,9%, bằng 89,1% dự toán địa phương; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 750,0 tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán địa phương, giảm 21,3% so cùng kỳ năm trước.
Trong thu nội địa, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3.000 tỷ đồng, tăng 83,8% so với cùng kỳ năm 2020; thu thuế doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 851,0 tỷ đồng, tăng 8,5%; các khoản thu về nhà và đất là 1.691,0 tỷ đồng, tăng 36,1%.
b. Chi Ngân sách Nhà nước
Công tác quản lý điều hành chi NSNN trong 7 tháng được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng theo quy định của luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2021 ước thực hiện 5.014,7 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 59,1% dự toán địa phương. Trong đó, chi thường xuyên là 3.422 tỷ đồng, chiếm 68,2% chi cân đối, bằng 59,3% dự toán địa phương; chi đầu tư phát triển đạt 1.488,2 tỷ đồng, chiếm 29,7% chi cân đối, bằng 99,4% dự toán địa phương (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 1.420,0 tỷ đồng, chiếm 95,4% chi đầu tư phát triển).
6. Thương mại, dịch vụ
a. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 
Tháng 7 năm 2021, hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong nước đang diễn biến phức tạp, khó lường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống hoạt động cầm chừng, không ổn định; hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành đều tạm ngừng hoạt động. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt tổ chức lại phương thức hoạt động như tăng cường các kênh bán hàng online, giao hàng tận nhà... để đáp ứng nhu cầu không tụ tập đông người của nhân dân, đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả. Vì vậy, các hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản vẫn ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7/2021 ước đạt 2.624,8 tỷ đồng, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng tháng năm 2020. Trong đó, tổng mức bán lẻ tháng 7 ước đạt 2.166,3 tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 10,0% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 174,5 tỷ đồng, giảm 2,7% so với tháng trước và giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2020; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 1,6 tỷ đồng giảm 69,1% so tháng trước và giảm 83,7% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác 282,5 tỷ đồng, bằng 99,3% và tăng 0,7%.
Trong các ngành hàng bán lẻ, một số nhóm ngành hàng đạt doanh thu khá so với tháng trước: ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 41,9 tỷ đồng (+4,9%); doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 51,1 tỷ đồng (+3,1%); lương thực, thực phẩm đạt 693,3 tỷ đồng (+1,8%); gỗ và vật liệu xây dựng 507,9 tỷ đồng (+1,8%)…
Cộng dồn 07 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 18.489 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2020.
b. Giá cả
Giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng kéo theo giá nhiên liệu trong nước tiếp tục tăng cao; nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời điểm nắng nóng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2021 trên địa bàn tỉnh tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 1,39% so với cùng tháng năm 2020. Cụ thể: Có 04/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước: giao thông +2,97%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng +0,40%; văn hóa, giải trí và du lịch +0,08%; bưu chính viễn thông +0,05%. Có 03/11 nhóm hàng hóa có chỉ số ổn định: đồ uống và thuốc lá; giáo dục; thuốc và dịch vụ y tế. Có 04/11 nhóm hàng hóa có chỉ số giảm: may mặc, mũ nón và giày dép -0,12%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống -0,10%; thiết bị và đồ dùng gia đình -0,04%; hàng hóa và dịch vụ khác -0,01%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 7 năm 2021 biến động trái chiều nhau, so với tháng trước giá vàng -2,23%, giá đô la Mỹ +0,02%; so với cùng tháng năm 2020 giá vàng +4,66%, giá đô la Mỹ -0,75%.
Bình quân 7 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng +0,40% với cùng kỳ năm 2020; chỉ số giá vàng +15,42%; giá đô la Mỹ -0,95% so với cùng kỳ năm 2020.
c. Vận tải
Tháng 7/2021, hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn khi dịch Covid-19 trong nước đang diễn biến phức tạp. Các hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô từ Hà Nam đi, đến các địa phương có ca lây nhiễm Covid-19 đã tạm dừng; đối với các địa phương không có dịch, hoạt động vận chuyển hành khách bị hạn chế về số lượng hành khách như: không được vượt quá 50% số ghế theo đăng ký phương tiện và không vượt quá 20 người/xe. Các hoạt động vận tải hàng hóa được đảm bảo lưu thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.
Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 7 ước đạt 392,3 tỷ đồng, giảm 2,0% so với tháng trước và tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2020, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 27,1 tỷ đồng, giảm 5,9% và giảm 18,4%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 361,2 tỷ đồng, bằng 98,4% và tăng 17,9%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ ước đạt 4,0 tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước và giảm 7,3% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 7/2021 ước đạt 465,5 nghìn HK, giảm 4,9% so với tháng trước và giảm 21,9% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hành khách 34,7 triệu lượt HK.km, giảm 5,3% so tháng trước và giảm 17,8% so cùng kỳ năm 2020.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 3,8 triệu tấn, giảm 2,0% so với tháng trước và tăng 13,9% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 169,2 triệu tấn.km, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2020.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Hoạt động văn hóa, thể thao và tuyên truyền
Trong tháng 7, Sở Văn hóa thông tin tỉnh đã phối hợp cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng: Tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm 61 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2021); tuyên truyền kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021); tuyên truyền kỷ niệm 92 năm ngành thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2021). Việc tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, nơi tổ chức lễ hội, nơi có các hoạt động đông người, các cơ sở kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh…
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá tiếp tục được quan tâm. Ngành đã phối hợp với chuyên gia Viện khảo cổ Tổ chức khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc tại đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên (đến ngày 10/7/2021 đã hoàn thành việc đào thám sát và khai quật tại thực địa, hiện đang tổ chức phân loại, nghiên cứu, xây dựng báo cáo sơ bộ). Xây dựng nội dung quyển gấp giới thiệu bộ sưu tập hiện vật thời Trần tại Bảo tàng tỉnh. Hoàn thành triển triển khai xây dựng đĩa DVD giới thiệu, quảng bá di sản văn hoá vật thể, phi vật thể Đình Cả, làng nghề nấu rượu Vọc (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục)…
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động thể thao thành tích cao, các giải thi đấu quốc gia tạm dừng tổ chức.
2. Y tế
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tháng 7 vẫn luôn được ngành y tế tỉnh Hà Nam thực hiện tốt. Duy trì công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân; tiếp tục áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị; thường trực, cấp cứu, chống nhiễm khuẩn, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, chăm sóc người bệnh; điều trị kịp thời cho bệnh nhân đến khám.
Tình hình bệnh truyền nhiễm: Trong tháng 7 năm 2021 trên địa bàn tỉnh không phát sinh các ca mắc quai bị; thủy đậu; chân tay miệng…; bệnh cúm phát sinh 446 ca.
Công tác phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng 7 năm 2021, số người nhiễm mới HIV phát hiện là 06 người; số người chuyển thành AIDS là 01; có 01 người tử vong do AIDS.
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam: Theo báo cáo của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19, tính từ đợt bùng phát dịch đầu tiên đến ngày 19/7/2021 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 68 trường hợp dương tính với Covid-19, riêng trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 19/7/2021 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 60 ca dương tính với Covid-19, trong đó 50 ca đã khỏi bệnh, 10 ca đang điều trị. Để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch ngành Y tế Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương tiếp tục tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, bám sát tình hình thực tế, giúp nhân dân nâng cao ý thức phòng ngừa dịch bệnh. Nắm chắc tình hình, chủ động đánh giá nguy cơ, sẵn sàng các phương án, kịch bản tốt nhất cho những tình huống xấu nhất; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, tổ Covid-19 cộng đồng trong việc kiểm soát người đi từ vùng dịch về địa phương; công tác truy vết, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện kịp thời; việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, thực hiện điều trị, cách ly y tế được thực hiện tốt. Công tác kiểm soát người nhập cảnh, quản lý, cách ly đảm bảo đúng quy định.
3. An ninh, trật tự
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tháng 7 năm 2021 được giữ vững;  ngành chức năng triển khai đồng bộ các kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông.
  Theo số liệu của Công an tỉnh, trong tháng 7 năm 2021 (tính từ ngày 15/6/2021 đến ngày 14/7/2021), trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn và va chạm giao thông (giảm 01 vụ so cùng kỳ năm 2020), hậu quả làm chết 06 người (giảm 02 người so với cùng kỳ năm 2020), bị thương 08 người (so với cùng kỳ năm 2020 không có gì đột biến).
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an tỉnh Hà Nam đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch. Cùng đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

 
 
 
Video tuyên truyền