Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân
Website ngành Thống kê
Website Sở ban ngành
Thống kê truy cập
 Đang online: 2
 Hôm nay: 106
 Tuần hiện tại: 1,240
 Tháng hiện tại: 16,601
 Tất cả: 204,549
Địa chỉ CTK Hà Nam
Tình hình Kinh tế - Xã hội tháng 3 và Quý I năm 2020
26/03/2020 11:58:16 CH       347  Lượt xem
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2020 ước tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng tháng năm 2019.
Kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam quý I/2020 với thuận lợi, khó khăn đan xen. Các cấp ủy Đảng, cùng địa phương tập trung chỉ đạo, chăm lo cho nhân dân đón Tết Canh Tý đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn. Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động đáp ứng tiêu dùng tháng Tết. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh ở các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như trong nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để khắc phục khó khăn, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Các Sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội; rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra đồng thời kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh có giải pháp, đối sách phù hợp, kịp thời.
I. KINH TẾ
1. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp trong quý I năm 2020 tập trung vào các công tác trọng tâm là thu hoạch nhanh gọn cây trồng vụ đông 2019 - 2020; gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ lúa và cây hàng năm vụ xuân 2020; thực hiện đạt hiệu quả Tết trồng cây; tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi.
- Kết quả vụ đông 2019 - 2020
Sản xuất vụ đông 2019 - 2020 toàn tỉnh gieo trồng được 9.578,1 ha, giảm 5,2% (-526,3 ha) so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năng suất, sản lượng các loại cây trồng chủ yếu như sau:

 
Một số cây trồng                chủ yếu Đơn vị
tính
Vụ đông
2019-2020
Vụ đông
2018-2019
Tỷ lệ % so vụ đông 2018-2019
Cây ngô        
- Diện tích ha 2 308,7 2 874,0 80,3
- Năng suất tạ/ha 53,2 52,7 100,9
- Sản lượng tấn 12 289,0 15 139,8 81,2
Khoai lang        
- Diện tích ha 285,4 303,8 93,9
- Năng suất tạ/ha 120,9 119,6 101,1
- Sản lượng tấn 3 451,1 3 632,5 95,0
Đậu tương        
- Diện tích ha 1 047,0 1 140,8 91,8
- Năng suất tạ/ha 13,5 13,3 101,5
- Sản lượng tấn 1 412,2 1 514,8 93,2
Lạc        
- Diện tích ha 90,0 80,3 112,1
- Năng suất tạ/ha 27,6 27,5 100,4
- Sản lượng tấn 248,5 220,7 112,6
Rau các loại        
- Diện tích ha 5 283,6 5 108,3 103,4
- Năng suất tạ/ha 160,5 160,0 100,3
- Sản lượng tấn 84 792,6 81 724,4 103,8

- Sơ bộ gieo cấy vụ xuân 2020
Vụ chiêm xuân là vụ sản xuất lương thực lớn nhất trong năm, đóng vai trò quyết định trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất lương thực cả năm 2020. Mọi công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân đều được thực hiện chặt chẽ, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để đối phó, khắc phục khó khăn về thời tiết đảm bảo vụ xuân năm 2020 giành thắng lợi. Đến nay toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ gieo trồng và chuyển trọng tâm sang khâu chăm sóc, bảo vệ cây trồng.
Báo cáo sơ bộ, diện tích lúa xuân gieo trồng đạt 30.243,9 ha, đạt 99,8% kế hoạch diện tích, trong đó diện tích lúa gieo thẳng toàn tỉnh là 17.139 ha, vượt 44,6% kế hoạch, chiếm 56,7% diện tích gieo cấy lúa.
Diện tích cây màu đã gieo trồng đạt 4.048,4 ha, đạt 90,1% kế hoạch, trong đó: diện tích ngô 1.862,2 ha; rau đậu các loại đạt 1.047,2 ha; diện tích ứng dụng công nghệ cao là 215 ha. Thời tiết thuận lợi nên cây trồng phát triển tương đối tốt.
- Tình hình dịch hại và kết quả phòng trừ trên cây trồng
 Hiện tại chuột gây hại đã xuất hiện rải rác ở một số nơi; diện tích bị hại 2,3 ha, lượng thuốc sử dụng diệt chuột là 2,3 tấn, số chuột bắt thủ công 90.525 con. Ốc bươu vàng cũng xuất hiện gây hại cục bộ ở một số chân ruộng trũng, đặc biệt là lúa gieo sạ; đã tiến hành phun trừ bằng thuốc hóa học 4.992,2 ha, tổng lượng ốc và trứng đã thu gom 97,2 tấn. Bệnh nghẹt rễ, rêu nhớt, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh sương mai xuất hiện rải rác, gây hại cục bộ. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh được chú trọng, nắm bắt kịp thời tình hình sâu bệnh để tập trung giải quyết phòng trừ có hiệu quả.
- Tình hình sản xuất cây lâu năm
Trong quý I, các cây trồng cho thu hoạch của tỉnh là các loại chuối như: chuối Tiêu Hồng, chuối Ngự. Ước tính sản lượng chuối thu hoạch quý I đạt 6.321 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn bà con phun thuốc, bẻ những cành sâu, tỉa cành, xới đất, bón phân nhằm thúc đẩy quá trình sinh trưởng, ra hoa, thụ phấn để sản lượng thu hoạch cây lâu năm đạt hiệu quả cao.
- Tình hình chăn nuôi
Chăn nuôi của tỉnh trong quý I còn gặp nhiều khó khăn. Dịch tả lợn Châu Phi cơ bản đã được ngăn chặn, khống chế, 100% số xã, phường, thị trấn có dịch đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm ở trong nước diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát diện rộng nên cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức nhân dân chủ động phòng chống dịch bệnh; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát ngăn ngừa, phát hiện dịch; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng chống, dập dịch khi phát sinh. Ngày 28/02/2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại thôn Thổ Ốc, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân với tổng số con mắc bệnh và tiêu hủy là 770 con. Chi cục thú y cùng với địa phương đã tiêu hủy số gia cầm bị mắc bệnh và thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, khu vực xung quanh hộ có dịch và thôn, xã có dịch được thực hiện nghiêm túc.
 Ước tính quý I năm 2020, sản lượng thịt trâu bò đạt 532,3 tấn, tăng 4,8%; thịt lợn hơi là 16.767,4 tấn, giảm 8,7%; thịt gia cầm hơi 3.892 tấn, tăng 20,6%. Chăn nuôi bò sữa tính đến ngày 15/3/2019 toàn tỉnh có 3.786 con, tăng 14% so cùng kỳ năm 2019.
Trong quý I, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kết hợp với các trạm chăn nuôi và thú y huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm. Mặt khác, để chủ động ngăn ngừa các loại dịch bệnh nguy hiểm, Chi cục Thú y cùng với các địa phương trong tỉnh hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh khử trùng, tiêu độc chuồng trại cho các hộ chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt lưu ý những nơi chăn nuôi lớn, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp “chăn nuôi an toàn sinh học”, chủ động khai báo khi có gia súc, gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
b. Lâm nghiệp
- Trồng cây phân tán
Kết quả đến ngày 15/3/2020, toàn tỉnh đã trồng được 339,9 ngàn cây, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 113,3% so với kế hoạch cả năm 2020. Cây xanh được trồng tập trung tại các xã, thị trấn, khu đô thị, khuôn viên công sở, khu công nghiệp, các công ty, trường học, ven đường giao thông, khu nông thôn mới, trục đường mới chủ yếu là cây cho bóng mát, cây lấy gỗ và cây ăn quả.
- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng
Kế hoạch thực hiện năm 2020, dự án trồng rừng tập trung (trồng lại sau khai thác) tiếp tục được triển khai thực hiện ở hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm với tổng diện tích 30 ha, rừng được bảo vệ 2.648 ha (trong đó: Kim Bảng là 2.598 ha; Thanh Liêm 50 ha), tổng diện tích được khoanh nuôi tái sinh là 287,1 ha (trong đó: Kim Bảng 133,7 ha; Thanh Liêm 153,4 ha). Công tác bảo vệ rừng luôn được tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác ngăn chặn kịp thời các vụ chặt phá rừng xảy ra.
- Sản lượng khai thác gỗ và lâm sản khác
Ước tính sản lượng lâm nghiệp quý I năm 2020, gỗ khai thác 539,1 m3 bằng cùng kỳ; sản lượng củi khai thác 84,0 ste, giảm 0,1%; so với cùng kỳ năm 2019.
c. Thủy sản
Tình hình sản xuất thủy sản trong quý I năm 2020 phát triển tốt. Các hộ nuôi trồng mở rộng diện tích thâm canh, bán thâm canh tăng năng suất nuôi, đồng thời áp dụng các mô hình tiên tiến vào sản xuất như mô hình cá sông trong ao; đưa các giống mới có năng suất cao vào nuôi trồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã tích cực tập huấn, hướng dẫn bà con thường xuyên kiểm tra, phòng trừ bệnh trên con nuôi và những biện pháp xử lý, khắc phục các khó khăn, tranh thủ thu hoạch những thủy sản đã đủ thời gian nuôi. Ước tính quý I, diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có 5.715 ha, tăng 5,6% so với năm 2019; sản lượng thủy sản thu hoạch đạt 6.016 tấn, tăng 3,7%, trong đó: nuôi trồng đạt 5.850 tấn, tăng 3,8%; khai thác 166 tấn, giảm 0,4% so cùng kỳ.
2. Công nghiệp
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp công nghiệp phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất do hạn chế xuất - nhập khẩu, biến động giá, khan hiếm nguồn nguyên liệu; bên cạnh đó, những tác động của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 01/01/2020 đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2020 ước tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 5,2% so với cùng tháng năm 2019.
IIP quý I/2020 ước tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong 2 năm gần đây[1]. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 1,4%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7%, đóng góp 6,9 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 6,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
3. Hoạt động của doanh nghiệp
Theo sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, tính từ đầu năm đến ngày 16/3/2020, cả tỉnh có 150 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 2.000 tỷ đồng; có 138 doanh nghiệp thông báo tạm ngừng và 09 doanh nghiệp giải thể, phá sản.
4. Đầu tư, xây dựng
Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành đạt 7.592,4 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ, bao gồm: vốn khu vực nhà nước 1.289,5 tỷ đồng, chiếm 17,0% tổng vốn; vốn khu vực ngoài nhà nước 4.669,4 tỷ đồng, chiếm 61,5%; vốn khu vực có vốn đầu trực tiếp nước ngoài 1.633,5 tỷ đồng, chiếm 21,5%.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý quý I/2020 ước đạt 412,7 tỷ đồng, tăng 35,4% so cùng kỳ năm 2019, bằng 18,7% kế hoạch năm. Khối lượng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện trọng tâm các dự án như: nâng cấp hạ tầng lưới điện các xã, hạ tầng các tuyến đường giao thông T2, T3, đường 499, quốc lộ 38 kéo dài, dự án sân golf Tượng Lĩnh, hạ tầng các khu cụm công nghiệp, khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao…
Công tác thanh toán vốn đầu tư XDCB: Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến nhà 16/3/2020, giá trị thanh toán cho khối lượng hoàn thành năm 2020 đạt 370,5 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch. Công tác giải ngân thanh toán vốn đầu tư XDCB được rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo thanh toán vốn cho khối lượng hoàn thành đầy đủ, kịp thời theo quy định của Kho bạc Nhà nước.
Tình hình thu hút đầu tư: Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, từ đầu năm đến 23/3/2020, trên địa bàn tỉnh thực hiện cấp mới 16 dự án đầu tư (08 dự án FDI và 08 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 34,4 triệu USD và 305,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 04 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 406,6 tỷ đồng.
Lũy kế tới nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 970 dự án đầu tư còn hiệu lực (303 dự án FDI và 667 dự án trong nước) với vốn đăng ký 3.617,8 triệu USD và 117.427,2 tỷ đồng.
5. Tài chính, ngân hàng
a. Tình hình thu, chi ngân sách nhà nước
- Thu ngân sách
Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam quý I/2020 ước đạt 4.141 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 24,5% dự toán địa phương phấn đấu. Trong đó thu nội địa đạt 3.441 tỷ đồng, giảm 2,6% so cùng kỳ; thu thuế xuất, nhập khẩu đạt 700 tỷ đồng, bằng 18,8% dự toán địa phương, giảm 10,4% so cùng kỳ năm trước.
- Chi ngân sách
Tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước quý I/2020 ước thực hiện 2.266,4 tỷ đồng, tăng 16,9% so cùng kỳ, bằng 23,9% dự toán địa phương giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển 555 tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán địa phương; chi thường xuyên 1.406,5 tỷ đồng, tăng 6,7% so cùng kỳ, đạt 24,9% dự toán địa phương.
b. Kết quả hoạt động lĩnh vực ngân hàng, tín dụng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong quý I/2020 ước đạt 43,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với thời điểm 31/12/2019; dư nợ tín dụng toàn tỉnh ước đạt 42,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với thời điểm 31/12/2019; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 0,7%, tăng 0,1% so với thời điểm 31/12/2019.
Mặt bằng lãi suất của các NHTM trên địa bàn tỉnh khá đồng đều, không chênh lệch lớn và có xu hướng giảm nhẹ so với đầu năm. Lãi suất huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4-5%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng ở mức 5-6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6-7%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 7-8%/năm đối với ngắn hạn; 8-10%/năm đối với trung và dài hạn.
6. Thương mại, dịch vụ
a. Tổng mức bán lẻ
Tháng 3/2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.894,7 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng tháng năm trước. Như vậy, tính từ năm 2017 đến nay tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3 đều có sự tăng trưởng trên 200 tỷ mỗi năm[2]. Dù dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhưng hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì. Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ tập trung khai thác thị trường nội địa; các siêu thị, cửa hàng tiện ích… vẫn đang có nhiều chính sách khuyến mãi, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi phương thức kinh doanh từ truyền thống sang bán hàng online tạo sự tiện lợi cho người tiêu dùng và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 5.766,6 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Lương thực, thực phẩm đạt 1.745,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,3%, tăng 12,4%; gỗ và vật liệu xây dựng đạt 1.356,0 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23,5%, tăng 15,0%; đồ dùng dụng cụ và trang thiết bị gia đình đạt 672,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,7%, tăng 13,3%; xăng, dầu các loại đạt 509,8 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,8%, tăng 8,4%...
Công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm. Cục Quản lý thị trường thường xuyên kết hợp với các đơn vị có liên quan tập trung kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các qui định pháp luật về giá, niêm yết giá, xử lý nghiêm đối với trường hợp đầu cơ, ép giá, găm hàng đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; kiểm tra hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm; chú trọng xử lý tình trạng mua bán các mặt hàng cấm như: pháo nổ, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực, băng đĩa đồi trụy; làm tốt công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng và đường phố nhằm đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
b. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 
Trong quý I/2020, hoạt động dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19 cũng như Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 01/01/2020. Mặc dù, trên địa bàn tỉnh chưa có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn cầu, người dân hạn chế du xuân, cơ quan chức năng của tỉnh đã chỉ đạo hạn chế tổ chức hoạt động tập trung đông người nhất là các lễ hội, khu vui chơi, giải trí… Vì vậy, lượng khách du lịch giảm so với cùng kỳ, doanh thu của nhà hàng, quán ăn, khách sạn, nhà nghỉ giảm, nhiều cơ sở đã thu hẹp quy mô hoặc tạm đóng cửa. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành phục vụ quý I/2020 đạt 123,3 nghìn lượt, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 24,6 tỷ đồng, giảm 3,1%; doanh thu ăn uống đạt 448,2 tỷ đồng, giảm 2,1%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 5,7 tỷ đồng, giảm 12,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 660,8 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019.
c. Giá cả
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,82% so với tháng trước, Cụ thể:
Có 03 nhóm chỉ số giá tiêu dùng tăng, gồm: Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,34%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,02%.
Có 01 nhóm chỉ số giá tiêu dùng ổn định, gồm: Bưu chính viễn thông.
Có 07 nhóm chỉ số giá tiêu dùng giảm, gồm: Giao thông giảm 4,50%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,01%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,36%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,16%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,15%; giáo dục giảm 0,02%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,01%.
Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ tháng 3 đều tăng, giá vàng tăng 4,59%; giá đô la Mỹ tăng 0,05% so với tháng trước.
Tính chung quý I/2020, chỉ số giá tăng 6,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây[3]. Nguyên nhân chủ yếu do quý I/2020 trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu mua sắm trước, trong tết tăng cao; hơn nữa việc tiêu hủy số lượng lớn do dịch tả lợn Châu phi từ giữa năm 2019 khiến nguồn cung khan hiếm nên giá thịt lợn vẫn luôn giữ ở mức cao; cùng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến một bộ phận dân cư có hành động tích trữ hàng hóa nhu yếu phẩm đã tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng quý I. Các nhóm hàng hóa tăng cao so với bình quân cùng kỳ năm 2019: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,31% (thực phẩm tăng 21,09%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,90%, lương thực giảm 0,89%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,38%; giáo dục tăng 6,30%; thuốc và dịch vụ y tế  tăng 3,06%...
d. Vận tải
Trong quý I/2020, ngoài yếu tố thuận lợi là giá xăng, dầu liên tiếp điều chỉnh giảm thì tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn số lượng học sinh, sinh viên vẫn đang được nghỉ học; nhiều lễ hội tạm dừng tổ chức; du lịch tham quan bị hạn chế… dẫn đến những chuyến xe với lượng hành khách ít diễn ra thường xuyên, doanh thu các doanh nghiệp vận tải liên tục bị giảm. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu vận tải kho bãi đạt 1.016,8 tỷ đồng, giảm 1,3% so với quý I/2019, trong đó: doanh thu vận tải hành khách đạt 101,2 tỷ đồng, tăng 8,4%; doanh thu vận tải hàng hóa đạt  904,0 tỷ đồng, giảm 2,4%; doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 11,6 tỷ đồng, tăng 18,8%. Quý I, vận chuyển hành khách đạt 1,9 triệu HK, tăng 6,1%; vận chuyển hàng hóa đạt 9,6 triệu tấn, tăng 4,3%; luân chuyển hành khách đạt 129,8 triệu KH.Km tăng 5,5%; luân chuyển hàng hóa đạt 408,5 triệu tấn.km, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2019.
II. MỘT SỐ TÌNH HÌNH XÃ HỘI
1. Lao động, việc làm và đời sống dân cư
- Lao động, việc làm: Ước tính quy mô lực lượng lao động của tỉnh Hà Nam quý I năm 2020 là 491.111 người, trong đó: lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tỷ lệ 26,6%; công nghiệp và xây dựng 43,7%; dịch vụ 29,7%. Trong quý I, giải quyết việc làm mới cho 3.420 lao động (trong đó Xuất khẩu lao động 126 người), có 5.226 người được tạo việc làm thêm. Tỷ lệ thất nghiệp chung 1,84%, trong đó khu vực thành thị là 1,71%.
- Công tác đảm bảo an sinh xã hội và đời sống dân cư: Công tác chăm lo đảm bảo đời sống cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo tết Canh Tý được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã đạt kết quả tích cực, góp phần đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Kết quả thăm hỏi, tặng quà Tết năm 2020, tổng trị giá tiền mặt và hiện vật qui ra tiền là 61.231,2 triệu đồng, cụ thể:
+ Ngân sách Trung ương 6.260,3 triệu đồng.
+ Ngân sách tỉnh 31.453,8 triệu đồng.
+ Ngân sách cấp huyện 5.888,5 triệu đồng.
+ Ngân sách cấp xã 2.133,9 triệu đồng.
+ Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác là 15.494,7 triệu đồng.
Đầu năm 2020, tỉnh đã mua và cấp 25.877 thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo với tổng kinh phí thực hiện là 23,9 tỷ đồng, đảm bảo 100% khẩu nghèo và cận nghèo đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế.
- Tình hình thu nhập: Ước tính thu nhập bình quân đầu người/tháng trong quý I năm 2020 đạt 4.010,2 nghìn đồng, trong đó: khu vực thành thị đạt 5.400,3 nghìn đồng, khu vực nông thôn đạt 3.783,9 nghìn đồng.
2. Hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền
Các hoạt động văn hoá, thông tin tuyên truyền theo kế hoạch trong quý I năm 2020 trọng tâm hướng vào kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng xuân Canh Tý và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn toàn tỉnh[4].
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động lễ hội trên địa bàn được quản lý chặt chẽ, hạn chế tập trung đông người; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc để tập trung cao nhất cho phòng chống dịch bệnh.
3. Y tế
Công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong quý I năm 2020 được triển khai chủ động, tích cực, đạt hiệu quả, điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Tình hình bệnh truyền nhiễm trong tháng 02/2020 trên địa bàn tỉnh: phát sinh 1 ca ho gà; 1 ca mắc sốt xuất huyết; 1 ca mắc sởi; 6 ca mắc quai bị; 12 ca thủy đậu; bệnh cúm phát sinh 597 ca.
 Công tác phòng chống HIV/AIDS: trong quý I năm 2020, số người nhiễm mới HIV phát hiện là 17 người, số chuyển thành AIDS 18 người, không phát sinh trường hợp nào tử vong do AIDS.
Công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới Corona (SARS-CoV-2) trên địa bàn tỉnh: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh. Ngành y tế đã thực hiện giám sát, điều tra ca bệnh, xử lý dịch các ca nghi ngờ, tiếp đón, thu dung, chẩn đoán, điều trị và thực hiện cách ly ca bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện thường trực chống dịch 24/24 giờ và xử lý dịch kịp thời, phòng ngừa lây chéo trong các cơ sở điều trị; bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương tuyên truyền tình hình, các thông tin, biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với các tình huống; đảm bảo cung cấp đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.
4. An ninh, trật tự
Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 tiếp tục được giữ vững; ngành chức năng triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự để chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp và đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm; triển khai đồng bộ các kế hoạch, phương án đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn.
- Về giao thông: Theo số liệu của Công an tỉnh, tính từ ngày 16/02/2020 đến ngày 15/3/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 10 vụ tai nạn và va chạm giao thông (tăng 01 vụ so cùng kỳ năm 2019), hậu quả làm chết 06 người (tăng 02 người so cùng kỳ năm 2019), bị thương 03 người (bằng cùng kỳ năm 2019). Tính riêng trong dịp Tết từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 05 Tết, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm bị thương 02 người. Tính chung quý I năm 2020 (từ 15/12/2019 - 15/3/2020), số vụ tai nạn và va chạm giao thông là 25 vụ (giảm 04 vụ so với cùng kỳ năm 2019), số người chết 20 người (tăng 02 người so cùng kỳ), số người bị thương 9 người (giảm 03 người).
- Trật tự xã hội: Trong dịp Tết đã phát hiện, xử lý 09 trường hợp đốt pháo trái phép.
 

[1] Chỉ số sản xuất công nghiệp: IIP quý I/2018 tăng 11,5%; IIP quý I/2019 tăng 13,1%.
[2]  Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 3: năm 2017 đạt 1.507,3 tỷ đồng, năm 2018 đạt 1.724,8 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.694,6 tỷ đồng.
[3] Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I: Năm 2016 tăng 1,56%, năm 2017 tăng 6,65%, năm 2018 tăng 2,08%, năm 2019 tăng 1,56%
[4] Một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tiêu biểu mừng Đảng, mừng Xuân: Trưng bày báo Xuân, băng rôn chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020), mừng xuân Canh Tý năm 2020; chương trình nghệ thuật đặc biệt và màn bắn pháo hoa chào đón Giao thừa, mừng Xuân; từ ngày mùng 02 đến mùng 04 Tết tổ chức các trò chơi dân gian, liên hoan múa Lân, Sư, Rồng, giao lưu thơ xuân với chủ đề ‘‘Trẩy hội mùa xuân’’, chiếu Chèo xuân 2020; tổ chức Giải Vật mùa xuân thượng võ năm 2020; giao lưu quần vợt mừng Đảng, mừng Xuân 2020 vào mùng 07 tháng giêng và nhiều hoạt động thể dục thể thao diễn ra sôi nổi khác.
 
 
Video tuyên truyền